Thật đáng buồn là cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines Thái Lan và Việt Nam, lượng rác nhựa đổ xuống biển nhiều hơn tất cả các nước, lãnh thổ còn lại của thế giới cộng lại.
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới, với số lượng khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm.
Trước đó, một nhóm nhà nghiên cứu khoa học Mỹ cũng đã cho biết, trong tống số 190 nước trên thế giới, có khoảng 8,8 triệu tấn rác được thải ra biển hằng năm. Điều đó có nghĩa số lượng rác thải ở nước ta chiếm ⅛ tổng số lượng rác thải của thế giới. Hơn thế nữa, họ còn chỉ ra rằng các loại rác thải ra biển bao gồm những vật dụng rất đỗi quen thuộc đối với chúng ta như bao nilon, chai lọ, dao kéo, bao bì thực phẩm, bàn chải đánh răng và nhiều loại khác.
Theo một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội bảo tồn đại dương, vấn đề rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất thế giới, trong đó đứng đầu là 5 nước kể trên, đều là các quốc gia châu Á. Mỹ thải ra 33,6 triệu tấn rác nhựa, chỉ 9,5% được tái chế.
Rác nhựa không những huỷ hoại đời sống sinh vật biển mà còn ảnh hưởng đến nguồn hải sản mà con người tiêu thụ. Rác nhựa còn mất rất nhiều thập kỷ để phân huỷ.
Cách tốt nhất để giảm thiểu rác nhựa là giảm việc sử dụng chúng với những cách đơn giản như sau:
Chọn bình đựng nước thay vì nước đóng chai dùng một lần
Đây có lẽ là thói quen khó bỏ nhất của người châu Á. Theo Green Earth, Hong Kong thải 5,2 triệu chai nhựa đựng nước một ngày.
Một công ty Thuỵ Sỹ hy vọng sẽ mang công nghệ lọc nước hiệu quả đến các gia đình, văn phòng, và các sự kiện khắp châu Á. Công ty mong muốn đưa nước lọc đến nhiều hơn với công chúng, phá bỏ mặc định rằng nước đóng chai an toàn hơn nước lọc.
Một khách sạn ở Hong Kong bắt đầu phục vụ nước lọc ở mọi nơi trong khách sạn. Du khách có thể uống nước miễn phí thoải mái.
Thay chất liệu cho hộp đựng đồ ăn
Từ những người bán hàng rong ở Việt Nam, Thái Lan đến các dịch vụ cung cấp đồ ăn khắp châu Á, đây là bộ phận sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn khá lớn.
Một công ty start-up ở Hong Kong đang nỗ lực cải thiện tình hình bằng cách cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường cho các công ty, chuỗi khách sạn và các trường đại học. Bộ đồ ăn bao gồm đũa tre, dao có thể tái sử dụng, chai thép chống gỉ và ông hút kim loại (kèm theo dụng cụ làm sạch ống hút).
Nói không với túi nilon
Năm ngoái, 1/3 trong số 1,67 tấn rác thải sinh hoạt được xử lý tại Singapore bao gồm chất thải là bao bì, chủ yếu là túi nhựa và bao bì thực phẩm. Theo báo cáo của Channel News Asia, lượng rác thải này đủ để lấp đầy 1.000 bể bơi chuẩn Olympic.
Túi nilon là cách thuận tiện và tiết kiệm để đựng đồ, nhưng chúng không thể phân huỷ và thường bị thải ra biển.
Đó là lý do Đài Loan chuẩn bị cấm tất cả các loại đồ nhựa dùng một lần, bao gồm túi nilon, ly nhựa, dao nhựa do các nhà hàng và doanh nghiệp cung cấp vào năm 2030. Đài Loan đã cấm dùng ống hút nhựa dùng một lần.
Tại các nước như Việt Nam và Trung Quốc, thức ăn và đồ uống thường được đựng trực tiếp vào túi nilon để tiện vận chuyển. Thói quen này không thể thay đổi một sớm một chiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể thay đổi bằng cách mang theo hộp đựng khi mua đồ ăn.
Tham gia phong trào làm sạch bãi biển
Một nhóm có tên One Island One Voice gần đây đã kêu gọi được hơn 20.000 người tập hợp lại để dọn sạch 120 bãi biển ở đảo Bali, Indonesia.
Mỗi người có thể tham gia bằng cách ghi tên vào các tổ chức như International Coastal Cleanup, nơi cung cấp công cụ để tổ chức các sự kiện làm sạch bãi biển ở cấp địa phương,
Tổng thống Philippines Duterte mới yêu cầu hòn đảo du lịch Boracay của nước này dọn sạch trong 6 tháng, bắt đầu từ 26-4. Trong khi đó, chính phủ Indonesia cũng có tham vọng làm sạch nước sông Citarum nổi tiếng ô nhiễm trong vòng 7 năm tới, biến nước sông sạch tới mức có thể uống được.